Cùng dự Tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Marc Knapper, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius; đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước là xác lập Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua, với đa đạng các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hợp tác giữa các địa phương.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. |
Đánh giá cao đông đảo doanh nghiệp, các địa phương Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự Tọa đàm bàn tròn kết nối này, Chủ tịch nước cho rằng, các thỏa thuận và hợp tác cấp cao chỉ thành hiện thực và tạo kết quả khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các trường Đại học và địa phương hai nước. Với nhiều đại diện các địa phương có kinh tế phát triển mạnh mẽ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, Chủ tịch nước tin tưởng hợp tác giữa hai nước sẽ tích cực và mạnh mẽ hơn thời gian tới.
Những thành công ấn tượng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cho đến nay là minh chứng rõ nét về cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam cho nhà đầu tư Hoa Kỳ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Nêu rõ, chào đón quý vị đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam hiện nay đang quan tâm, như công nghệ cao, sản xuất chip, chất bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang nỗ lực tối đa để đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam yên tâm làm ăn, mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển. Những vấn đề mà các bạn chưa hài lòng, chưa an tâm về thủ tục hành chính, về cách thức giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đó cũng chính là vấn đề Việt Nam ưu tiên giải quyết, khắc phục.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ. |
Phát biểu tại Tọa đàm, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế và kinh doanh Ramin Toloui bày tỏ đánh giá cao các vấn đề Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu ra về thúc đẩy hợp tác hai nước và cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được xác lập giữa hai nước chính là cơ sở xây dựng hệ sinh thái bán dẫn. Các lợi thế của Việt Nam và sự hợp tác tức phía Hoa Kỳ sẽ giúp xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động cả hai quốc gia cũng như tận dụng tối đa tiềm năng của hai nước. Và việc có đông đảo doanh nghiệp, địa phương hai nước tại Tọa đàm có thể thấy tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, đã đến Việt Nam từ năm 1997 và lần sau cùng là vào năm ngoái, đất nước các bạn đã biến chuyển rất mạnh mẽ. Đó chính là tiền đề để thấy được triển vọng hợp tác trong tương lai. Quan hệ kinh tế hai nước được cụ thể hóa qua các con số biết nói như Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương hơn 100 tỷ USD với mức tăng trưởng cao. Các công ty của Hoa Kỳ cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng những chuỗi cung ứng mới, tạo việc làm chất lượng cao cũng như mang tới tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ hàng đầu thế giới.
Nêu cơ hội thành công dành cho nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Intel đang tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững; hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng số tại Hải Phòng; tại Đà Nẵng là hợp tác sản xuất hợp kim vỏ máy bay với cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Tại Tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu bộ, ngành hai nước cũng đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong một số lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị và du lịch sinh thái; tiêu thụ nông sản; ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; cơ sở hạ tầng cảng biển; trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng tái tạo...