Thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn hơn 1,7 tỷ USD
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, trong 9 tháng năm 2024, tỉnh đã thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 26.557,7 tỷ đồng và 645,36 triệu USD, tổng tương đương hơn 1,7 tỷ USD.
Trong đó: 114 dự án đầu tư mới (tăng 48 dự án so với cùng kỳ năm 2023), bao gồm có 72 dự án trong nước (tăng 40 dự án so với cùng kỳ năm 2023) và 42 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 8 dự án so với cùng kỳ năm 2023). Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21.188 tỷ đồng (tăng 10.383 tỷ đồng) và 561,9 triệu USD (tăng 139,2 triệu USD).
Tỉnh cũng thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 89 lượt dự án, gồm 56 dự án trong nước và 33 dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm là 5.369,7 tỷ đồng và 83,46 triệu USD. Việc điều chỉnh tăng vốn giúp nâng tổng số dự án còn liệu lực trên địa bàn tỉnh là 2.303 dự án, trong đó có 1.715 dự án trong nước và 588 dự án nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký là 343.843 tỷ đồng và 7,68 tỷ USD.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 588 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực cơ khí, luyện kim; sản xuất máy móc, thiết bị, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic: sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dệt may và da giày, bao bì...
Đáng chú ý, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao như: Các dự án của ToTo với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 403 triệu USD; dự án của Nippon Mektron với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD; các dự án của Kyocera với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 264 triệu USD; dự án Hoya với tổng vốn đầu tư đăng ký 214 triệu USD…
Các khu công nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong thu hút đầu tư
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên theo mô hình tổ chức không gian “2 vùng động lực, 2 hành lang kinh tế, 5 trục phát triển, 3 trung tâm tăng trưởng”, từ đó, mở ra không gian mới, gia tăng nhu cầu kiến thiết, đầu tư, xây dựng cũng là yếu tố tăng thêm sức hút đầu tư của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch bên cạnh những tiềm năng, lợi thế hiện hữu của mình.
Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên có 35 KCN được quy hoạch phát triển, với diện tích 12.048,63 ha. Giai đoạn đến năm 2030: Quy hoạch phát triển mới 30 KCN, với tổng diện tích 9.183,53 ha; Quy hoạch phát triển mở rộng 4 KCN, với tổng diện tích là 405,1 ha. Tổng diện tích đất quy hoạch phát triển KCN giai đoạn đến năm 2030 là 9.588,63 ha. Giai đoạn sau năm 2030: Quy hoạch phát triển mới 5 KCN, với tổng diện tích 2.460 ha.
Ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên - cho biết, địa bàn tỉnh hiện có 17 KCN với diện tích hơn 4.300 ha; trong đó, 10 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và vị trí đắc địa, các KCN có lợi thế và sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó khẳng định vai trò nòng cốt trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tư có số dự án và vốn đầu tư lớn nhất với 147 dự án (chiếm 43% về số dự án) và 3,6 tỷ USD (chiếm 54% về tổng vốn đầu tư đăng ký); Trung Quốc với 70 dự án (chiếm 21% về số dự án) và 957 triệu USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư đăng ký) và tiếp theo là Hàn Quốc với 63 dự án (chiếm 19% về số dự án) và 650 triệu USD (chiếm 10 % tổng vốn đầu tư đăng ký).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tỉnh xác định sẽ tập trung đổi mới, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế các KCN, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy.
Đồng thời, kết hợp phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu các KCN để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, định hướng chiến lược phát triển Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quyết tâm vươn lên phát triển tỉnh Hưng Yên phồn vinh, hạnh phúc và trở thành trung tâm công nghiệp lớn trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo sự đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Hưng Yên là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và hiệu quả.
Do đó, Hưng Yên cam kết sẽ làm tất cả những gì pháp luật cho phép để đem lại sự thành công cho doanh nghiệp với triết lý: Sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định
Nguồn: baokiemtoan.vn/